Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Ngày cập nhật 22/05/2024

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái tặng hoa chúc mừng nhân kỷ niệm ngày khoa học và công nghệ Việt Nam

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái tặng hoa chúc mừng nhân kỷ niệm ngày khoa học và công nghệ Việt Nam
(CTTĐT) - Chiều ngày 16/5, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Tọa đàm kỷ niệm ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam (18/5) và hội thảo “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Thừa Thiên Huế”. Đến dự có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái; UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; UVTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Khánh Hùng; đại diện lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương.
 
 

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở KH&CN Hồ Thắng, cho biết trải qua 61 năm thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và các chủ trương của Đảng và nhà nước, đội ngũ trí thức KH&CN cả nước nói chung, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng không ngừng lớn mạnh, có mặt trong mọi ngành khoa học, mọi lĩnh vực phát triển kinh tế- xã trên khắp mọi miền đất nước. Học tập và lĩnh hội tư tưởng chỉ đạo của Bác, đội ngũ trí thức KH&CN đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu khoa học, tăng cường trao đổi, phổ biến kiến thức, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển cộng đồng, phát triển xã hội, xây dựng nền KH&CN Việt Nam ngày càng hiện đại và hội nhập với những nền KH&CN tiên tiến trên thế giới.

Trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp phát triển tiềm lực KH&CN, đẩy mạnh nghiên cứu - thử nghiệm, phát triển và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng… Ngành KH&CN với vai trò quản lý nhà nước đã xác định nhiều chương trình hành động, đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn Tỉnh. Tỉnh đã ban hành quy chế quản lý công nghệ, chuyển giao công nghệ, ban hành quy chế quản lý nhiệm vụ KH&CN, ban hành chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ như chương trình phát triển tài sản trí tuệ, Đề án Phát triển hệ sinh thái Cố đô khởi nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ...

 Giám đốc Sở KH&CN Hồ Thắng phát biểu tại hội thảo

Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, đặc biệt là nhu cầu ứng dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh ngày càng cao, sứ mệnh của ngành KH&CN phải luôn đồng hành cùng với các ngành kinh tế - xã hội, góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, đưa KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội, là nền tảng của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Thừa Thiên Huế. Quan điểm phát triển ngành KH&CN trong thời gian tới trước hết phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, phát triển và ứng dụng tiến bộ KH&CN gắn với các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm, các nhiệm vụ KH&CN phải gắn với nhu cầu của các ngành, lĩnh vực.

Phát triển KH&CN phải hướng trọng tâm vào doanh nghiệp, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp tiến tới dịch chuyển trọng tâm và chủ thể của hoạt động ứng dụng KH&CN sang khu vực Doanh nghiệp. Ứng dụng KH&CN phải thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển chuỗi giá trị, gắn với phát huy giá trị tài sản trí tuệ và thúc đẩy thị trường KH&CN. Thông qua hoạt động quản lý nhà nước, chính quyền tạo ra nền tảng, cơ chế cho việc ứng dụng KH&CN, Doanh nghiệp và tổ chức KH&CN đóng vai trò chủ đạo và quyết định trong việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất kinh doanh nhằm tăng năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bước sang giai đoạn phát triển mới, khi Thừa Thiên Huế đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và xu thế phát triển dựa vào tri thức ngày càng sâu rộng; đặc biệt là Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN lớn của cả nước. Để KH&CN thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa tỉnh nhà trở thành thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2025, trung tâm KH&CN của cả nước trước năm 2030, chúng ta cần tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp đổi mới toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý KH&CN, phát triển tiềm lực và trình độ KH&CN, hợp tác mạnh mẽ với cộng đồng doanh nghiệp và thị trường; chủ động kết nối, hợp tác chiến lược với các Trường đại học, trung tâm, viện nghiên cứu, các bộ ngành Trung ương, tập trung bám sát các trụ cột trong hệ thống các giải pháp nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo PII, phấn đấu thuộc top 10 địa phương của cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024.

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng nhân kỷ niệm ngày khoa học và công nghệ Việt Nam

Tại hội thảo, các đại biểu, nhà nghiên cứu đã có những tham luận về vai trò đào tạo nguồn nhân lực công nghệ vi mạch bán dẫn trong phát triển công nghiệp ở Thừa Thiên Huế; Vai trò ứng dụng KH&CN trong phát triển sản phẩm chủ lực, OCOP ở Thừa Thiên Huế.

Theo ông Nguyễn Quang Lịch, Khoa Kỹ thuật Công nghệ, Đại học Huế đào tạo nhân lực nhằm cung ứng nguồn nhân lực phù hợp với xu thế phát triển của xã hội là yếu tố then chốt của mọi hoạt động. Công nghiệp vi mạch và bán dẫn có vai trò quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế của thế giới trong đó có Việt Nam. Việc phát triển công nghiệp trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn liền với phát triển công nghiệp vi mạch và bán dẫn. Bởi vì, công nghệ vi mạch bản dẫn đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực như điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, năng lượng, giao thông, tự động hóa và kỹ thuật điện. Tuy nhiên, để phát triển và áp dụng công nghệ này hiệu quả, cần có nguồn nhân lực có chuyên môn cao mà cần có kỹ năng cũng như giải quyết các vấn đề và sáng tạo.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang hình thành nhiều khu công nghiệp trong đó nhiều doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp trong lĩnh vực như ô tô, sản phẩm đồ chơi, thiết bị điện điện tử hay doanh nghiệp công nghệ thông tin đòi hỏi một nguồn nhân lực nhất định được đào tạo và có khả năng ứng dụng từ các ngành liên quan đến vi mạch và bán dẫn. Chính vì vậy việc xác định được mục tiêu cũng như tạo được cơ chế và hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư cho công nghiệp cần được quan tâm và có kế hoạch hành đồng cụ thể nhằm phát huy tối đa nguồn lực cũng như lợi thế cạnh tranh của Thừa Thiên Huế so với các địa phương khác trong chuỗi cung ứng nhân lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Các đại biểu tham dự tại hội thảo

Ông Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết trong thời gian vừa qua, một số chủ thể tham gia Chương trình OCOP đã trực tiếp, gián tiếp được hưởng lợi từ các kết quả nhiệm vụ khoa học công nghệ tại các cấp. Một số các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ đã giúp các địa phương tiếp nhận, làm chủ và phát triển các công nghệ để giải quyết các vấn đề về nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển sản xuất các đối tượng trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản (lúa, bò, cá...), từ đó góp phần nâng cao các tiêu chí về xây dựng vùng nguyên liệu, kiểm soát chất lượng, liên kết chuỗi trong sản xuất ... trong chương trình OCOP.

“Khoa học và công nghệ” là một trong các ngành quan trọng tham gia vào triển khai Chương trình OCOP; “ứng dụng khoa học và công nghệ” là 1 trong các nhóm giải pháp thực hiện Chương trình OCOP từ giai đoạn 2018 đến nay. Đến nay, toàn tỉnh đã có 76 sản phẩm được đánh giá, công nhận và phê duyệt kết quả chấm điểm theo tiêu chí sản phẩm OCOP. Trong đó, 18 sản phẩm đạt 4 sao (23,7%), 54 sản phẩm đạt 3 sao (71,1%), 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng (5,3%). Việc ứng dụng khoa học công nghệ càng ở mức cao, thì việc đánh giá sản phẩm OCOP tương ứng ở mức cao hơn. Một số tiêu chí “ứng dụng khoa học và công nghệ” thuộc nhóm các tiêu chí “điều kiện cần và đủ” khi công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao và 5 sao.

Dịp này, Sở KH&CN đã khai trương Cổng Thông tin điện tử ngành KH&CN và khai trương phần mềm Quản lý nhiệm vụ KH&CN. (ảnh dưới)

 
 
 
 
 
w.w.w.thuathienhue.gov.vn
thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 614