Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chất vất 4 nhóm vấn đề tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khoá VIII
Ngày cập nhật 18/07/2024

Chất vất 4 nhóm vấn đề tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khoá VIII

Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Thanh Tuấn trả lời chất vấn

 

Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Thanh Tuấn trả lời chất vấn
(CTTĐT) - Sáng ngày 17/7, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh khoá VIII, HĐND tỉnh tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn xung quanh 4 nhóm vấn đề về quy hoạch; kết quả triển khai, thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh; văn hóa du lịch; an ninh quốc phòng. Các đồng chí: Lê Trường Lưu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Quang Tuấn - UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Ái Vân - TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.
 
 

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Trần Lưu Quốc Doãn cho rằng, quy hoạch là nội dung quan trọng trong việc triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội cũng như giải quyết thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân. Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch chung các xã, quy hoạch phân khu các phường, các khu vực dự kiến thành lập phường; công tác lập nhiệm vụ, thẩm định quy hoạch phân khu chức năng để kêu gọi đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các công trình, dự án trên địa bàn toàn tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh cho biết giải pháp đẩy mạnh công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch thời gian tới.

Trả lời chất vấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trương Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch tổ chức lập quy hoạch (Kế hoạch 51, Kế hoạch 164, Kế hoạch 208), làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm, tránh lãng phí nguồn lực.

 

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trương Nguyễn Thiện Nhân trả lời chất vấn

Từ năm 2023 trở về trước là giai đoạn Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 chưa được phê duyệt (QHC 108), song tất cả các đô thị đều đã có quy hoạch chung được phê duyệt. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu (QHPK) cho khu vực đô thị trung tâm đạt khoảng 60,1%. Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) chủ yếu được phê duyệt tại khu vực TP. Huế và An Vân Dương; hoàn thành phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng vùng huyện Quảng Điền, vùng huyện Nam Đông; hoàn thành phê duyệt 95/95 xã, đạt 100%. Địa bàn Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, địa bàn khu công nghiệp cơ bản phủ kín QHPK…

Sau khi Quy hoạch tỉnh, QHC 108 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở Xây dựng đã tổ chức thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt 23 đồ án QHPK trong giai đoạn 7 tháng đầu năm 2024; đến nay, đã cơ bản hoàn thành phủ kín QHPK các phường hiện hữu và các khu vực dự kiến thành lập phường phục vụ đề án Trung ương (tỷ lệ phủ kín QHPK đạt 100%),

Hiện nay, đang tổ chức lập các đồ án QHPK xây dựng các khu du lịch để làm cơ sở kêu gọi đầu tư; đang tiếp tục lập các quy hoạch chung đô thị mới Vĩnh Tu, Phú Mỹ, Phú Hồ, Vinh Hưng theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh,...

Đại biểu Dương Thị Thu Truyền chất vấn về kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết (NQ) 02/2022/NQ-HĐND ngày 25/01/2022 của HĐND tỉnh về Quy định một số chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025; NQ số 97/NQ-HĐND ngày 14/10/2021 của HĐND tỉnh về chủ trương đầu tư Dự án Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 – 2025; NQ 05/2019/NQ-HĐND ngày 9/7/2019 của HĐND tỉnh về chính sách phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025; NQ 26/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thanh thông tin về việc triển khai Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 25/01/2022 của HĐND tỉnh. Triển khai NQ, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện; công bố thủ tục hành chính, phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính nhằm đảm bảo triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ di dời; ban hành Kế hoạch số 321/KH-UBND ngày 30/8/2022 về hỗ trợ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025.

Để có mặt bằng sản xuất phục vụ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 12/01/2022 về đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025; phê duyệt bổ sung các cụm công nghiệp: Điền Lộc 2, Phú Diên, Thủy Phương vào Quy hoạch tổng thể tỉnh Thừa Thiên Huế trong khi Quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt; Quyết định số 89/QĐ-UBND ngày 9/01/2023 về việc phê duyệt điều chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, và đã phê duyệt thành lập các cụm công nghiệp Bình Thành (quy mô 32 ha), Điền Lộc 2 (quy mô 20,82 ha), điều chỉnh thành lập cụm công nghiệp Điền Lộc (quy mô 27,6 ha) từ nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Mặc dù vậy, do các cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nên chưa có mặt bằng để bố trí các cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp. Đối với các cụm công nghiệp đã thành lập và đi vào hoạt động do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực cấp huyện làm chủ đầu tư, do chưa thực hiện đúng chức năng đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, trong khi đó theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, thì không có quy định cho các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp thuê đất trực tiếp của nhà nước. Vì vậy, việc thực hiện chính sách di dời chưa đảm bảo theo yêu cầu, tiến độ đề ra do không có mặt bằng để bố trí cho các cơ sở sản xuất di dời vào cụm công nghiệp.

Luật Đất đai năm 2024 (có hiệu lực từ 01/8/2024) có quy định: “Trường hợp cụm công nghiệp được thành lập trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành do đơn vị sự nghiệp công lập, UBND cấp huyện, UBND cấp xã làm chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thì thẩm quyền cho thuê đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 123 của Luật này.” Do đó, đối với các cụm công nghiệp do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực cấp huyện làm chủ đầu tư trước ngày có hiệu lực của Luật đất đai năm 2024 (gồm các cụm công nghiệp: Thủy Phương, Tứ Hạ, Hương Hòa, Vinh Hưng), các dự án sản xuất kinh doanh đầu tư vào các cụm công nghiệp này sẽ được nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 123 của Luật Đất đai năm 2024.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả NQ số 02, các huyện, thị xã, TP. Huế  cần có hướng dẫn các cơ sở sản xuất xây dựng phương án di dời, thực hiện di dời vào cụm công nghiệp và xây dựng kinh phí hỗ trợ trong năm 2025 theo quy định; tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, chú trọng đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp đảm bảo theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trong đó, khẩn trương xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đảm bảo nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường để có đủ điều kiện phục vụ di dời các cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp. Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp (Bình Thành, Điền Lộc, Điền Lộc 2); quan tâm, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc để các dự án này sớm đi vào hoạt động.

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Đại Vui trả lời chất vấn

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Đại Vui cho biết, ngày 14/10/2021, HĐND tỉnh đã ban hành NQ số 97/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư dự án hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2022-2025, bao gồm 18 dự án thành phần, với tổng mức đầu tư là 60.100 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ 20.000 triệu đồng; nguồn vốn tỉnh hỗ trợ 15.000 triệu đồng; nguồn đối ứng của các HTX: 25.000 triệu đồng.

Đến nay, đã có 4 dự án thành phần được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 12.596 triệu đồng (chiếm 20,95% tổng mức đầu tư).

Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các đơn vị thẩm định tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy định...

Đại biểu Nguyễn Văn Thạnh nêu câu hỏi về triển khai quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2013-2030 (theo Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND 19/7/2013 của HĐND tỉnh); hoạt động văn hóa du lịch, dịch vụ; hạ tầng du lịch, dịch vụ; đánh giá cơ sở lưu trú khách du lịch, phục vụ lưu trú, dịch vụ ăn, uống, nhà hàng; sản phẩm du lịch văn hóa,…

Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, kể từ khi Nghị quyết số 10/2013/NQ-HĐND ngày 19/7/2013 về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2013-2030 được triển khai làm cơ sở quan trọng và cần thiết để tỉnh định hướng các mục tiêu cũng như đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh nhà trong thời gian qua. Du lịch tỉnh đã có những tăng trưởng hàng năm đáng ghi nhận, thông qua các chỉ tiêu về lượng khách, thu nhập, cơ sở vật chất kỹ thuật và việc làm… đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; góp phần nâng cao hình ảnh du lịch Thừa Thiên Huế: An toàn, thân thiện và hấp dẫn, đến du khách trong nước và quốc tế.

Hiện nay, du lịch đã và đang được quan tâm định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thừa Thiên Huế nhiều lần được quốc tế ghi nhận nằm trong các Top điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á và khu vực, điểm du lịch có chi phí hợp lý; thành phố Huế đã 3 lần được công nhận là thành phố Du lịch Sạch ASEAN, đang triển khai có hiệu quả dự án Huế- Đô thị giảm nhựa của Việt Nam với nhiều hoạt động gắn với du lịch và hướng đến trở thành Thành phố sáng tạo trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO.

Ngành du lịch - dịch vụ cơ bản đóng góp dao động khoảng 50- xấp xỉ 52% GRDP trong cơ cấu kinh tế của tỉnh trong giai đoạn vừa qua. Tổng lượng khách đến Thừa Thiên Huế trong năm 2019 đạt 4,81 triệu lượt khách (trong đó có 2,186 triệu khách quốc tế). Năm 2024, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế ước đạt khoảng 4 triệu lượt khách, do vậy, đến năm 2025 không thể đạt được chỉ tiêu theo Nghị quyết 10 (8,8 triệu lượt khách). Trong Quy hoạch tỉnh đã phê duyệt vừa qua, đã điều chỉnh lại, đến năm 2030 toàn tỉnh dự kiến đón khoảng hơn 10 triệu lượt khách. Bên cạnh đó, việc thu hút gia tăng lượng khách du lịch cũng phải đảm bảo đáp ứng về cơ sở lưu trú và các dịch vụ bổ trợ tương ứng.

Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 893 cơ sở lưu trú, với 14.229 phòng và 22.918 giường. Chỉ tiêu này đến năm 2025 cũng không thể đạt được theo Nghị quyết số 10 (đến năm 2025 có 38.100 phòng). Về khách quan, chủ yếu do liên quan đến nhu cầu và khả năng thực tế của nhiều nhà đầu tư đến Huế; do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế - chính trị thế giới và đại dịch COVID-19 trong giai đoạn vừa qua; do năng lực thực tế của một số nhà đầu tư chưa đảm bảo, dẫn đến một số dự án khách sạn chưa thể triển khai được, hoặc phải tạm dừng.

Tỉnh vẫn nhất quán quan điểm và mục tiêu phát triển theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Trong đó bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa một cách hiệu quả để phục vụ mục tiêu phát triển du lịch bền vững, góp phần tạo bước đột phá phát triển kinh tế địa phương.

Tiếp tục tiếp cận, vận động các nhà đầu tư có sự tham gia của các thương hiệu du lịch lớn vào đầu tư khai thác du lịch, dịch vụ tại địa phương; mở rộng hợp tác với các đối tác chiến lược về du lịch (hãng hàng không, đơn vị lữ hành hàng đầu) và địa phương kết nghĩa có tiềm lực để gia tăng các thị trường khách đến với Huế, mở thêm tuyến bay nội địa, quốc tế mới đến địa phương.

Phát triển ngành du lịch đồng bộ, bền vững, đạt chất lượng cao và thực sự chuyên nghiệp là mục tiêu tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm đạt được. Hy vọng trong thời gian tới, với những giải pháp nêu trên cùng sự chung tay của các ngành, các cấp, sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, du lịch Thừa Thiên Huế sẽ có bước đột phá, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ngành du lịch Thừa Thiên Huế trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xứng tầm là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực....

Liên quan đến nhóm vấn đề về an ninh quốc phòng, đại biểu Nguyễn Anh Dũng - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đặt câu hỏi, vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết Quy định tiêu chí thành lập và tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các chế độ chính sách hỗ trợ. Ngày 1/7, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đã ra mắt. Đề nghị UBND tỉnh thông tin cho cử tri biết chức năng, nhiệm vụ và những hoạt động chính của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: Ngày 1/7, Thừa Thiên Huế đã ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. HĐND tỉnh cũng ban hành nghị quyết liên quan đến lực lượng này. Trên cơ sở này, toàn tỉnh có 1103 tổ bảo vệ an ninh ở cơ sở, đáp ứng các yêu cầu hiện nay.

Chức năng của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (được quy định tại Điều 3 của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trong đó, có 6 nhóm nhiệm vụ chính được quy định từ Điều 7 đến Điều 12 của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, gồm: Hỗ trợ nắm tình hình về ANTT (Điều 7); hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Điều 8); hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (Điều 9); hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội (Điều 10); hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở (Điều 11); hỗ trợ tuần tra bảo đảm ANTT, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi được điều động (Điều 12).

 
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 92