Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
BÁO CÁO Tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội năm 2021 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
Ngày cập nhật 11/10/2021

ỦY BAN NHÂN DÂN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

XÃ HƯƠNG LỘC

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 

Số: 602/BC-UBND

Hương Lộc, ngày 11 tháng 10 năm 2021

 

BÁO CÁO

Tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội năm 2021

và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

           

Kính gửi: Ủy ban nhân dân huyện Nam Đông.

 

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2021

 

Tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ổn định, quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các chương trình trọng điểm, chương trình công tác của Ủy ban nhân dân xã được triển khai và thực hiện đúng tiến độ. Kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2021 như sau:

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu

*. Chỉ tiêu kinh tế (3 chỉ tiêu):

- Thu nhập bình quân đầu người: 52,4 triệu đồng (KH 52-54 triệu đồng).

- Tổng giá trị đầu tư phát triển trên địa bàn: 34,175 tỷ đồng. (KH 30 tỷ đồng).

- Tổng thu ngân sách tại địa phương: 350.669.000 đồng (KH 240.800.000 đồng), đạt 145,6% KH.

*. Chỉ tiêu xã hội (7 chỉ tiêu):

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo: 0,79%, giảm 01 hộ (KH dưới 0,8%, giảm 01 hộ).

- Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên: 10,3%o (KH: 11%o).

- Tỷ lệ người dân tham gia BHYT: 97,7% (KH 97% trở lên).

- Lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH: 15,26% (KH 15%).

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng: 5,59% (KH 5,6%).

- Số lao động qua đào tạo: 65,39% (KH 55%).

- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: 05 người (KH 06-08 người).

*. Chỉ tiêu môi trường (4 chỉ tiêu):

- Tỷ lệ hộ dùng nước máy: 100% (KH 90%).

- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom: 100% (KH 99%).

- Tỷ lệ người chăn nuôi cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường: 100% (KH 100%).

- Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt: 95% (KH 95%).

Năm 2021 có 13/14 chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Ước thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực.

I. Lĩnh vực kinh tế

1. Sản xuất nông, lâm, thủy sản: Tổng giá trị sản xuất Nông, Lâm, Thủy sản đạt 58,86 tỷ đồng, tăng 25,96 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, chiếm 46,2% trong tổng thu nhập.

 

 

a. Nông nghiệp

- Trồng trọt: Thu nhập từ trồng trọt là 13,9 tỷ đồng, tăng 1,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, chiếm 10,9% trong tổng thu nhập.

+ Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 73ha/73ha, đạt 100% KH năm. Cho thu nhập 5,42 tỷ đồng, bình quân 74,2 triệu đồng/ha/năm; trong đó:

Tổng diện tích cây lương thực năm 2021 là 9 ha (cây Ngô), năng suất bình quân 47,8 tạ/ha, sản lượng lương thực có hạt: 43 tấn/KH 43 tấn, đạt 100% KH năm.

Các loại cây trồng khác: Tổng diện tích gieo trồng đạt 64 ha, trong đó: Sắn 7/7 ha; cây Mía 13/13 ha; cây có củ lấy bột khác 16/16 ha; đậu các loại 6/6 ha; rau màu các loại 19/19 ha; một số cây trồng khác 3 ha.

+ Cây cao su: Cây cao su sinh trưởng và phát triển tốt, việc bón phân và phòng ngừa sâu bệnh được nhân dân quan tâm đầu tư, tổng diện tích cao su hiện có và cho khai thác là 69,7 ha, thu nhập khoảng 4,97 tỷ đồng.

+ Kinh tế vườn: Được xác định là trọng tâm từ đó nhân dân đã chú trọng đến công tác làm vườn. Nhìn chung đa số các hộ đã tích cực chăm sóc, cải tạo vườn với diện tích 49,92 ha, trong đó diện tích trồng mới 12,75 ha. Diện tích trồng cam trong năm là 1,25ha. Thu nhập từ vườn là: 2,92 tỷ đồng, giá trị bình quân kinh tế vườn là 58,5 triệu đồng/ha, chiếm 2,29% trong tổng thu nhập. Công tác xây dựng vườn mẫu được quan tâm, đang xây dựng 03 vườn mẫu ở 3 thôn.

- Chăn nuôi: Thu nhập từ chăn nuôi là 3,1 tỷ đồng, không tăng không giảm so với cùng kỳ năm trước, chiếm 2,4% trong tổng thu nhập.

+ Chăn nuôi gia súc: Tổng đàn gia súc 1.491 con, tăng 410 con so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Đàn Trâu: 25/40 con, đạt 62,5% KH, giảm 15 con so với cùng kỳ năm trước; đàn Bò: 110/110 con, đạt 100% KH không tăng, không giảm so với cùng kỳ năm trước; đàn Lợn 1356/1.350 con, đạt 100,4% KH/năm tăng 411 con so với cùng kỳ năm trước, (Lợn nái 39 con).

+ Chăn nuôi gia cầm: Tổng đàn 29.135 con, tăng 435 con so với năm trước, đạt 104% KH. Trong đó: Đàn Gà: 24.061 con, giảm 2.281 con so với năm trước; đàn Vịt 5.074 con, tăng 2.716 con so với năm trước.

+ Thú y: Công tác thú y được chú trọng, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, tỷ lệ tiêm phòng năm 2021 như sau: Tiêm vắc xin tam liên lợn 215/220 liều, đạt 97,7% KH; tiêm vắc xin tụ huyết trùng Trâu, Bò 100/120 liều, đạt 83% KH; Vắc xin LMLM 89/100 liều đạt 89%, tiêm dại Chó 170/220 liều, đạt 72,2% KH; tiêm vắc xin viêm da nổi cục 100/105 liều, đạt 95,2% KH, trong năm không có dịch bệnh xảy ra.

b. Lâm nghiệp

- Thu nhập từ lâm nghiệp là 40,3 tỷ đồng, tăng 24,1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, chiếm 31,7% trong tổng thu nhập.

- Tổng diện tích rừng trồng kinh tế toàn xã là 357,6 ha. Diện tích rừng cho thu hoạch và trồng lại trong năm là 60 ha, cho thu nhập khoảng 4,8 tỷ đồng, việc trồng và chăm sóc rừng được quan tâm đầu tư, chu kỳ khai thác được rút ngắn. Đồng thời nhân dân đã tích cực trong việc tận thu các loại lâm sản phụ như: Mây, Lá Nón, Mật Ong, hạt Ươi bay, Nấm tràm, cây dược liệu ..., góp phần đưa giá trị thu nhập từ lâm nghiệp tăng mạnh so với năm trước. Phối hợp với các tổ chức liên qua thực hiện chi trả phí dịch vụ môi trường rừng cho 02 cộng đồng, 04 nhóm hộ và 58 hộ gia đình với tổng số tiền 125.776.000đ.

- Công tác quản lý, bảo vệ rừng - PCCCR: Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng – PCCCR năm 2021, tuy nhiên trong năm xảy ra 02 vụ; trong đó: 01 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng gồm 1 đối tượng đã xử phạt với số tiền 2.000.000đ, 01 vụ lấn chiếm rừng đã xử phạt với số tiền 2.000.000đ, không tăng, không giảm so với năm trước. Duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện chỉ thị 65/2015/CT-UBND ngày 04/12/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về “Tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

c. Thủy sản: Diện tích nuôi cá nước ngọt toàn xã là 1,61 ha. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá Trắm cỏ, chép và rô phi, sản lượng thu hoạch 6,1 tấn, ngoài ra nhân dân cũng tranh thủ lợi thế của địa phương để đánh bắt thủy sản tự nhiên góp phần tăng thêm nguồn thu. Thu nhập từ nuôi, đánh bắt thủy sản là 694 triệu đồng, tăng 60 triệu đồng, chiếm 0,5% trong tổng thu nhập.

2. Tiểu thủ công nghiệp - Xây dựng – Thương mại – Dịch vụ

Thu nhập từ hoạt động Tiểu thủ công nghiệp – Xây dựng – Thương mại và Dịch vụ: 21 tỷ đồng, giảm 13,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, chiếm 16,5% trong tổng thu nhập.

Về Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp: Duy trì và nâng cao hiệu quả những ngành nghề hiện có ở địa phương, như nghề mộc, nề, may mặc…

Về Xây dựng cơ bản: Trong năm 2021 nhân dân đã chủ động trong việc xây dựng, sửa chữa 24 nhà, trong đó: Xây mới 18 nhà, ước tổng kinh phí khoảng 14,4 tỷ đồng; sửa chữa sân vườn và công trình phụ trường Tiểu học 1,4 tỷ đồng; sửa chữa nhà ăn và công trình phụ trường Mầm non 1,7 tỷ đồng; hoàn trả đường tuần tra rừng đã giải ngân 2021: 13 tỷ đồng; Các đường gom dân sinh (Giải ngân năm 2021) 3 tỷ đồng; Bổ sung đường từ khe Môn đến vùng sản xuất thôn 3: 328 triệu đồng; Bổ sung đường sản xuất thôn 3: 230 triệu đồng; Đường lắp cống vào sân bóng và cống ông Đàng: 117 triệu đồng.

3. Tài nguyên - Môi trường – Giải phóng mặt bằng

a. Quản lí đất đai: Hoàn thành công tác kiểm kê đất đai năm 2020 theo Công văn số 1599/UBND-TNMT ngày 23 tháng 12 năm 2020 của UBND huyện Nam Đông, đến nay đã hoàn thành công tác kiểm kê đất đai và đã giao nộp sản phẩm cho huyện đúng tiến độ.

- Giải quyết thủ tục hành chính liên thông 109 hồ sơ, trong đó: đăng ký cấp đổi giấy chứng nhận QSD đất 32 hồ sơ; cấp mới 21 hồ sơ và 46 hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất (tặng cho và chuyển nhượng); thủ tục tách thửa, hợp thửa 04 hồ sơ; thừa kế 03 hồ sơ; đính chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 03 hồ sơ.

b. Môi trường: Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân dọn vệ sinh, môi trường xanh, sạch, đẹp, sáng nhân ngày môi trường thế giới 5/6. Triển khai thu phí vệ sinh môi trường theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế; Ban hành Quy định về lưu trữ, thu gom, chuyển giao, tập kết chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn xã và ban hành quy định giao thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo công văn số 961/UBND, ngày 31/7/2019 của Ủy ban nhân dân huyện Nam Đông. Tiếp nhận 05 thùng rác 240l, đã bổ sung, thay thế các điểm bị hư hỏng theo quy định, 02 thùng rác để thu gom bao gói, chai thuốc bảo vệ thực vật.

- Hoàn thành việc tổ chức cho các hộ chăn nuôi ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường theo Kế hoạch số 819/KH-UBND, ngày 30/12/2020 của UBND xã. Qua đó toàn xã có 80 hộ chăn nuôi. Trong đó: Thôn 1 có 39 hộ, Thôn 2 có 23 hộ, Thôn 3 có 18 hộ và các hộ đã ký cam kết, đạt tỷ lệ 100%

c. Giải phóng mặt bằng: Phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện tiến hành kiểm đếm đất và tài sản trên đất do thu hồi bổ sung đường gom dân sinh đoạn Km 20+12 đến Km 20+545 của 16 hộ; kiểm đếm tài sản trên đất do thu hồi bổ sung xử lý sạt trượt đoạn Km 25+300 đến Km 25+767 của 01 hộ đến nay đã hoàn thành việc chi trả tiền cho các hộ dân với số tiền là: 278.616.000đ.

4. Tài chính tín dụng

a. Tài chính: Thực hiện tốt công tác quản lý ngân sách, chỉ đạo tích cực trong thực hiện công tác thu tại địa phương, đồng thời quản lý chặt chẽ công tác chi ngân sách nên trong năm đã đạt được một số kết quả như sau:

*. Tổng thu ngân sách xã (ước thực hiện năm 2021): 4,931/3,903 tỷ đồng, đạt 126,3% KH/năm.

Thu ngân sách tại địa phương: 350.669.000 đồng (KH 240.800.000 đồng), đạt 145,6% KH; Phí, lệ phí 16.000.000/16.000.000đ đạt 100% KH năm.

Thu các loại quỹ: Đền ơn đáp nghĩa: 5,5 triệu đồng/5,5 triệu đồng, đạt 100%; Vì người nghèo: 10.3750.000 đồng/9.000.000 đồng, đạt 115,2% KH; PCTT: 14.775.000đ; Nạn nhân chất độc da cam: 4.130.000đ.

*. Tổng chi ngân sách: 4,931 tỷ đồng

b. Tín dụng - ngân hàng: Tổng dư nợ ước tính đến ngày 31/12/2021: 26.418 triệu đồng, bình quân mỗi hộ vay 42 triệu đồng; trong đó: vay tại Ngân hàng NN&PTNT huyện là 13.735 triệu đồng; vay tại Ngân hàng CSXH là: 12.683 triệu đồng, không có nợ quá hạn.

Những tồn tại hạn chế trong lĩnh vực kinh tế

- Diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt kế hoạch nhưng năng suất một số cây trồng thấp do ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, một số vườn chưa được nhân dân quan tâm đầu tư, chăm sóc đúng mức, vườn kém hiệu quả vẫn còn.

- Một số hàng nông sản còn gặp khó khăn về giá và thị trường tiêu thụ do ảnh hưởng từ các đợt dịch Covid-19.

- Ý thức của một số hộ dân chưa cao trong việc Quản lý, bảo vệ rừng, dẫn đến một số vụ vi phạm pháp luật về rừng vẫn còn xảy ra.

- Thu ngân sách tại địa phương đạt khá cao, tuy nhiên một số nguồn thu đạt thấp, còn phụ thuộc.

II. Văn hóa - Xã hội 

1. Giáo dục – Đào tạo

- Giáo dục - Đào tạo có nhiều chuyển biến tốt, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên; tỷ lệ huy động học sinh ở các bậc học đạt cao, tuy nhiên trong năm có 03 học sinh bỏ học giữa chừng. Kết quả kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện năm học 2020-2021 có 14 em được công nhận đạt giải (trong đó: 05 em cấp tỉnh; 09 em cấp huyện); Tỷ lệ tốt nghiệp THPT 25/25 em đạt 100%. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3; Chỉ đạo các trường tổ chức tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 theo kế hoạch.

- Huy động học sinh đầu năm học 2021-2022 là: Mầm non 161/208 cháu, đạt tỷ lệ 77,4%, trong đó: Mẫu giáo: 101/103 em đạt tỷ lệ 98,05%; Nhà trẻ 60/105 em đạt 57,14%; Tiểu học: 209/209 em, đạt tỷ lệ 100%; THCS 122/122 em, đạt 100%; THPT 90/92 em, đạt 97,8%.

*. Hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng: Thực hiện tốt quy chế hoạt động, trong năm đã phối hợp với các đơn vị để tổ chức các hoạt động học tập, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ có tổng cộng khoảng 252 lượt người tham gia.

*. Hoạt động của Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập: Ngày càng được quan tâm, từ đầu năm BCĐ đã tổ chức để các cộng đồng, cơ quan đăng ký xây dựng xã hội học tập, cơ quan, gia đình học tập, đến nay đã có 03 dòng họ; 03 đơn vị cấp thôn, 04 cơ quan và 463 gia đình đăng ký, phối hợp với các tổ chức đoàn thể thường xuyên tuyên truyền thông qua sinh hoạt các chi hội, chi đoàn. Tổ chức hội nghị tuyên dương gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập (có 3 tập thể và 10 cá nhân được tuyên dương). Công tác khuyến học khuyến tài được quan tâm đã tổ chức phát thưởng cho học sinh và giáo viên có thành tích xuất sắc trong năm học 2020-2021 với 241 suất quà, trị giá 24.540.000đ.

2. Y tế

- Tổng số bệnh nhân đến khám tại Trạm là 2.586 lượt bệnh nhân, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, đảm bảo cơ sở vật chất khám, chữa bệnh cho nhân dân có nhu cầu đến khám tại trạm.

- Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho 78 người dân; thực hiện cách ly y tế tại nhà cho 52 người có đi, về từ vùng dịch, tổng số người được tiêm Vắc xin phòng ngừa Covid 19 đến nay khoảng 407 người; phối hợp với Ban chỉ đạo huyện phân công lực lượng tham gia trực chốt kiểm dịch trên đường La Sơn – Túy Loan, đến nay trên địa bàn không có bệnh nhân nhiễm Covid-19.

- Chủ động trong công tác phòng, chống dịch theo mùa như: Dịch tiêu chảy cấp, dịch cúm A (H1N1, H5N1, H9N7), dịch sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường được chú trọng nên không có dịch bệnh, không có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

3. Dân số, KHHGĐ và Trẻ em

- Công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình thường xuyên được quan tâm. Đã triển khai chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Các mô hình được triển khai thực hiện đúng tiến độ. Trong năm có 131/191 trường hợp sử dụng các biện pháp tránh thai, đạt 68,8% KH năm, tổng số biện pháp còn tác dụng đến nay là 254, tổng số sinh là: 35 trường hợp, trong đó: sinh con thứ 3 trở lên 9 trường hợp, chiếm tỷ lệ 25,7%.

- Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi: 40 thẻ.

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chiếm tỷ lệ: 5,59%. (10 trẻ/179 trẻ)

- Tỷ lệ hộ dùng nhà xí hợp vệ sinh là: 100%.

4. Văn hóa thông tin – Thể thao

Văn hóa thông tin: Thường xuyên tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tận nhân dân. Vận động nhân dân làm vệ sinh môi trường; treo băng cờ, khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm các ngày lễ, các sự kiện chính trị trọng đại của quê hương, đất nước, số hộ tham gia treo cờ đạt trên 95%.

- Phối hợp với các mặt trận, các đoàn thể vận động nhân dân đón tết cổ truyền vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.

- Phong trào xây dựng gia đình văn hóa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước được quan tâm, phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân chấp hành pháp luật, xây dựng nếp sống văn hóa nhằm góp phần đưa tỷ lệ hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa năm 2021 đạt 95.%. Duy trì hoạt động của thôn, cơ quan và gia đình văn hóa. 

Thể dục thể thao: Vận động nhân dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; tổ chức thành công Đại hội TDTT xã Hương Lộc lần thứ VI năm 2021 có 5 môn thi đấu với sự thang gia của 170 vận động viên và hàng trăm cổ động viên; nhìn chung các hoạt động thể dục thể thao được nhân dân tích cực rèn luyện.

5. Chính sách - xã hội

- Đời sống nhân dân được ổn định và từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới còn 0,79% (giảm 01 hộ); hộ cận nghèo 2,09% (giảm 4 hộ). Các chính sách xã hội được triển khai kịp thời, đúng đối tượng; xã đã tổ chức thăm hỏi và tặng quà kịp thời trong dịp tết Nguyên đán 2021 và kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ đến các gia đình chính sách, hộ nghèo, người hưởng bảo trợ xã hội, tổng số quà của nhà nước và các tổ chức tặng 253 xuất trị giá 104.170.000đ; Trong đó: Ủy ban nhân dân xã: 28 xuất, trị giá 7.620.000đ.

+ Tiếp nhận từ phòng LĐTBXH huyện: 155 xuất, trị giá 47.300.000đ.

+ Tiếp nhận từ các tổ chức khác: 7 xuất trị giá 3.500.000đ.

+ Tiếp nhận từ UBMTTQ VN huyện: 60 xuất, trị giá 45.000.000đ.

+ Trích Quỹ VNN: 3 xuất, trị giá 750.000đ.

- Hoạt động mừng thọ cho người cao tuổi được quan tâm, trong năm đã tổ chức mừng thọ cho 43 cụ với số tiền 8.600.000đ.

- Phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể tổ chức quyên góp ủng hộ tiền, hàng để phòng, chống dịch bệnh Covid 19 với số tiền: 28.220.000đ và một số nhu yếu phẩm.

- Chi trả kịp thời các chế độ chính sách cho các đối tượng có công với cách mạng, bảo trợ xã hội; Phối hợp với Phòng LĐTB&XH; BHXH huyện cấp thẻ BHYT cho các đối tượng có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội với 145 thẻ. Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm năm 2021, đến nay có 05 lao động đi làm việc ở nước ngoài có hợp đồng lao động, đạt tỷ lệ 83,3% KH năm.

- Trong năm đã giải quyết 18 hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân, trong đó: Xác nhận mức độ khuyết tật: 06 trường hợp; nuôi dưỡng: 01 trường hợp; người từ đủ 80 tuổi trở lên: 8 trường hợp; mai táng phí: 02 trường hợp; chuyển vào cơ sở bảo trợ xã hội tỉnh 01 trường hợp.

- Vận động nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện năm 2021 có 41 người tham gia, số người lấy được máu là 33/31 chỉ tiêu, đạt 106,4%, tổng kinh phí thực hiện 5.500.000 đồng.

- Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đến nay ước đạt 97,7%.

- Tỷ lệ người dân trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội 243/1592 lao động, đạt 15,26% (Kế hoạch 15%).

- Công tác đào tạo nghề và tham gia xuất khẩu lao động luôn được quan tâm hiện nay toàn xã có 1.041 lao động/1.592 lao động được đào tạo nghề, chiếm 65,39% trong tổng số lao động.

Những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực văn hóa xã hội:

- Công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tuy thường xuyên, nhưng một bộ phận nhân dân tham gia chưa đều, từ đó nhận thức về pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, dẫn đến việc vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra.

- Việc thực hiện Quy ước thôn văn hóa của người dân có lúc chưa nghiêm; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn ở mức cao.

Tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vẫn còn (trong năm có 03 em).

III. Quốc phòng - An ninh – Nội chính

1. Quốc phòng

- Ban CHQS xã tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp các ban, ngành, đoàn thể đưa 4 thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự, đạt 100% chỉ tiêu trên giao. Vận động nhân dân ủng hộ tiền làm sổ tiết kiệm, các đoàn thể tổ chức tặng quà với tổng số tiền là: 13.230.000 đồng. (đã tặng 4 sổ tiết kiệm cho 4 thanh niên, mỗi sổ trị giá 3 triệu đồng); Tổ chức đăng ký độ tuổi 17 cho 17/17 thanh niên.

 - Xây dựng các kế hoạch Quân sự - Quốc phòng và Ban xây dựng cơ sở ATLC - SSCĐ năm 2021, tham gia tập huấn cán bộ Ban CHQS xã, hội thi quân sự, hội thao, qua hội thi đã đạt giải nhất Giảng Chính trị, giải nhất Sáng kiến, cải tiến vũ khí tự tạo; tổng kết công tác QP - AN năm 2020 và triển khai ký kết liên tịch thực hiện nhiệm vụ quân sự - Quốc phòng của địa phương năm 2021; hoàn thành công tác tổ chức huấn luyện quân sự, quốc phòng cho lực lượng dân quân tự vệ, qua huấn luyện được Ban chỉ huy Quân sự huyện đánh giá đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ; Bổ sung 5 đồng chí vào lực lượng dân quân, đồng thời thực hiện chế độ cho các đồng chí đủ thời gian tham gia LLDQ theo Luật dân quân tự vệ.

2. An ninh

- Trong năm trên địa bàn xảy ra 03 vụ, gồm 08 đối tượng, trong đó: 01 vụ có hành vi xâm hại sức khỏe của người khác, đã xử phạt; 01 vụ mất trộm tài sản; 01 săn bắt động vật rừng trái phép đã chuyển hồ sơ cho Công an huyện Nam Đông xử lý.

- Đã tiến hành tổ chức triển khai công tác gọi hỏi răn đe và cho làm cam kết nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự trước, trong và sau tết Nguyên đán năm 2021, cũng như kế hoạch cao điểm tấn công tội phạm trong mọi tình huống.

- Công tác tuần tra, kiểm soát ATGT: Tổ kiểm tra ATGT tổ chức tuần tra, kiểm soát 32 lượt, phát hiện 05 trường hợp vi phạm Luật GTĐB, đã xử phạt với số tiền: 1.250.000đ.

- Công tác kiểm tra tạm trú, lưu trú duy trì thường xuyên: Đã tổ chức, kiểm tra được 32 lượt: phát hiện 04 trường hợp vi phạm, đã xử phạt tiền 800.000đ.

- Công tác đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19: Đã tổ chức đăng ký lưu trú, khai báo y tế cho 328 nhân khẩu đến địa phương, qua kiểm tra việc tuân thủ trong công tác phòng chống dịch đã phát hiện 02 trường hợp vi phạm về cộng tác phòng chống dịch, đã tiến hành xử phạt 01 trường hợp với số tiền: 2.000.000đ; 01 trường hợp chuyển UBND huyện xử phạt với số tiền: 5.000.000đ.

- Việt kiều và người nước ngoài: Trong năm không có việt kiều và người nước ngoài về lưu trú tại địa phương.

- Tôn giáo: Hoạt động của các tôn giáo theo pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo.

- Công tác quản lý hành chính: Công an xã Hương Lộc đã giải quyết tốt các  thủ tục cho các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch đảm bảo theo quy định, việc làm sạch dữ liệu Quốc gia về dân cư và làm sạch dữ liệu đã hoàn thành 100%, việc cấp căn cước công dân đạt 86%.

3. Nội chính

a. Công tác cải cách hành chính: Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26/CT-UBND, ngày 25/12/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động bộ mày quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; Bộ phận tiếp nhận và hoàn trả kết quả đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận và hoàn trả kết quả đối với các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch. Đã tiếp nhận và hoàn trả 1.304 hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân đảm bảo đúng quy trình và thời gian quy định (Trong đó có 875 trường hợp chứng thực).

b. Công tác tổ chức, cán bộ: Triển khai kế hoạch về thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế; Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tổng số cán bộ, công chức toàn xã là 20 đồng chí, trong năm có 10 đồng chí được nâng lương; trong đó: 02 đồng chí được nâng lương trước thời hạn; 01 đồng chí đang học Đại học Luật.

c. Tư pháp - Hộ tịch: Thường xuyên tuyên truyền các văn bản pháp luật đến tận người dân như: Luật đất đai năm 2013; Bộ luật dân sự; Luật Giao thông đường bộ; Luật Hôn nhân gia đình và một số văn bản khác.

Công tác hộ tịch: Hoàn thành giải quyết thủ tục hành chính 277 hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân; trong đó: Đăng ký khai sinh 50 hồ sơ; Đăng ký kết hôn 15 hồ sơ; Đăng ký khai tử 06 hồ sơ; Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân 32 hồ sơ; bổ sung, cải chính hộ tịch 08 hồ sơ, cấp bản sao trích lục hộ tịch 161 hồ sơ và Đăng ký giám hộ 05 hồ sơ.

Trong năm không tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo giảm 03 đơn so với cùng kỳ năm trước.

Những tồn tại, hạn chế: Tình hình ANCT-TTATXH trong năm cơ bản ổn định, tuy nhiên việc gây mất trật tự trong thôn, xóm vẫn còn xảy ra.

IV. Thực hiện chương trình trọng điểm (Có báo cáo chi tiết riêng)

- Ngay sau khi Nghị Quyết số 15/NQ-HĐND ngày 18 tháng 12 năm 2020 của HĐND xã Hương Lộc về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 được ban hành, UBND xã đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó thực hiện 02 chương trình trọng điểm đó là: Chương trình trọng điểm xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao và chương trình trọng điểm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tổ chức phân công cho BQL xây dựng Nông thôn mới xã, Ban chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp xã triển khai thực hiện có sự giám sát của cấp ủy và chính quyền địa phương.

- Nhìn chung, các đơn vị đã bám sát nội dung Nghị quyết của HĐND, kế hoạch của UBND để thực hiện đảm bảo đúng tiến độ; Chất lượng các tiêu chí nông thôn mới được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, đến nay cơ bản đã thực hiện đạt các nội dung theo quy định của bộ tiêu chí và hoàn thành hồ sơ đề nghị huyện, tỉnh thẩm định và công nhận vào cuối năm 2021. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất luôn được người dân quan tâm, mạnh dạn đầu tư các thiết bị máy móc, kiến thức khoa học, áp dụng ngày nhiều hơn trong sản xuất, từ đó đã giúp người dân giảm thiểu sức lao động, tăng hiệu suất và nâng cao chất lượng các sản phẩm làm ra.

Về tồn tại, hạn chế:

- Số vườn cho thu nhập thấp vẫn còn. Một số hộ dân không còn sức lao động để đầu tư, thâm canh. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác của một số hộ còn hạn chế, việc phát triển diện tích Cam trên địa bàn chưa được người dân hưởng ứng tích cực, chưa mang tính đột phá.

 

Phần thứ hai

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022

 

I. Mục tiêu, chỉ tiêu

1. Mục tiêu: Tiếp tục tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của Đảng ủy, phát huy tích cực vai trò giám sát của HĐND, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của UBND xã. Mặt trận và các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập hợp khối Đại đoàn kết toàn dân, tạo sự thống nhất cao trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, biến sức mạnh trong nhân dân thành sức mạnh chung của toàn xã hội, đưa kinh tế địa phương ngày càng phát triển bền vững, Giữ vững xã nông thôn mới nâng cao từng bước xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, ổn định tình hình ANCT-TTATXH trên địa bàn, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, QP-AN năm 2022.

2. Các chỉ tiêu

*. Chỉ tiêu kinh tế (3 chỉ tiêu):

- Thu nhập bình quân đầu người: 57-59 triệu đồng.

- Tổng thu ngân sách tại địa phương: 257.800.000 đồng.

- Tổng giá trị đầu tư trên địa bàn: 32 tỷ đồng.

*. Chỉ tiêu xã hội (7 chỉ tiêu):

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo: còn dưới 1%.

- Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên: 11%o.

- Tỷ lệ người dân tham gia BHYT: 98% trở lên.

- Lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH là: 20%.

- Duy trì tỷ lệ trẻ dưới em 5 tuổi suy dinh dưỡng: 5,59%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 67%.

- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: 06-08 lao động.

*. Chỉ tiêu môi trường (3 chỉ tiêu):

- Duy trì tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom: 100%.

- Duy trì hộ chăn nuôi cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường: 100%.

- Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt: 95%.

II. Nhiệm vụ cụ thể trên các lĩnh vực

1. Lĩnh vực kinh tế

a) Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp

- Trồng trọt: Diện tích gieo trồng cây hàng năm là 73 ha. Tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường thâm canh, xen canh, tăng hệ số sử dụng đất, nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích; vận động nhân dân tập trung trồng các loại cây có giá trị để nâng cao thu nhập, phấn đấu đến cuối năm, thu nhập trồng trọt đạt 78 triệu đồng/ha.

+ Đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, rà soát, nghiên cứu, trồng một số cây đã có truyền thống, cho thu nhập cao trước đây như: Bí đao, mướp đắng, gấc, đồng thời tiếp tục rà soát diện tích trồng keo trong vườn và diện tích đất nông nghiệp hiện có để quy hoạch và vận động nhân dân trồng những cây cho thu nhập cao như: Chuối đặc sản, cây ăn quả. Tiếp tục công tác xây dựng vườn mẫu theo quyết định của tỉnh. Đến cuối năm, thu nhập kinh tế vườn đạt 62 triệu đồng/ha/năm.

+ Tập trung chăm sóc, khai thác mủ cao su đúng quy trình, đảm bảo cho cây cao su phát triển bền vững.

- Chăn nuôi: Duy trì, nâng cao chất lượng đàn đại gia súc, phát triển số lượng đàn gia súc đến cuối năm là 1.500 con. Đàn gia cầm, đặc biệt là phát triển đàn Gà, đến cuối năm có 28.000 con gia cầm, vận động các hộ chăn nuôi có cam kết xử lý môi trường đạt 100%.

Vận động nhân dân tích cực thực hiện công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, có kế hoạch phòng chống rét cho đàn Trâu, Bò và dự trữ thức ăn, chú ý khâu chuồng trại nhất là trong mùa mưa.

- Lâm nghiệp: Tiếp tục hướng dẫn cộng đồng, nhóm hộ gia đình thực hiện tốt việc quản lý và phát triển rừng tự nhiên được giao theo quy ước; Vận động nhân dân đăng ký diện tích trồng cây gỗ lớn; nghiên cứu một số cây dược liệu phù hợp có giá trị để đưa vào trồng dưới tán cây tự nhiên, duy trì độ che phủ rừng đạt 95%.

- Thủy sản: Vận động nhân dân duy trì các mô hình hiện có.

b) Ngành nghề TTCN và Xây dựng

- Duy trì và nâng cao hiệu quả các ngành nghề hiện có ở địa phương. Tiếp tục xây dựng kế hoạch gửi lao động tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn ngày, các ngành nghề nông thôn phù hợp, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận lao động ở địa phương, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng dịch vụ, công nghiệp.

- Làm tốt công tác quản lý quy hoạch và thực hiện theo kế hoạch; kiểm tra ngăn chặn kịp thời các trường hợp xây dựng công trình trái phép. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật quản lý tốt hoạt động xây dựng của nhân dân. Làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng để hạn chế công trình hư hỏng, xuống cấp.

c) Tài nguyên - Môi trường: Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn xã; duy trì việc cho thuê quỹ đất công ích để tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương; tiếp tục thực hiện tốt việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; thực hiện tốt công tác thu gom chất thải rắn trên địa bàn xã, vận động nhân dân chấp hành việc nộp phí môi trường theo quy định.

 d) Tài chính - ngân sách: Xây dựng các giải pháp thu ngân sách đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra; quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách đúng quy định, đảm bảo chứng từ, sổ sách kế toán. Thu các loại quỹ đạt và vượt kế hoạch đề ra: Quỹ ĐƠĐN: 5.000.000 đồng; Quỹ VNN: 9.000.000 đồng.

2. Lĩnh vực Văn hoá - xã hội

a) Giáo dục: Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt chú trọng công tác củng cố và nâng cao tỷ lệ phổ cập giáo dục và xóa mù chữ các cấp; duy trì trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2, trường Mầm Non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1; hạn chế thấp nhất học sinh bỏ học giữa chừng.

- Dự kiến số học sinh huy động trong năm học 2022 - 2023 như sau: Huy động vào mẫu giáo đạt 99%, trong đó: Nhà trẻ đạt 46%; Tiểu học đạt 100%, THCS đạt 98%; THPT đạt 98%.

- Tổ chức các hoạt động tại Trung tâm học tập cộng đồng theo quy định của Pháp luật, nhằm nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng, giáo dục pháp luật và các kỹ năng lao động, sản xuất, đặc biệt chú trọng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tận nhân dân. Chú trọng đến công tác khuyến học, khuyến tài, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của các dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học.

- Tiếp tục vận động nhân dân xây dựng xã hội học tập, phấn đấu đến cuối năm có 3/3 thôn đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập cấp thôn”, 85% trở lên hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 4/4 đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”.

b) Y tế - Dân số

- Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, y tế cộng đồng, tăng cường công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, chủ động trong công tác phòng, chống các loại dịch bệnh.

- Tăng cường công vận động nhân dân thực hiên tốt chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, đưa các chính sách dân số thật sự đi vào cuộc sống. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên dưới 1,1%, hạn chế tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên dưới 15%, duy trì tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 5,59%, tỷ lệ người dân tham gia BHYT là 98% trở lên.

c) Văn hóa - thông tin – thể thao: Tiếp tục thực hiện cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nâng cao chất lượng xây dựng thôn, cơ quan văn hóa và gia đình văn hóa. Duy trì hoạt động hệ thống phát thanh xã và đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến thôn, tổ và người dân; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong nhân dân vào các dịp lễ, tết, duy trì hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 95% trở lên.

d) Chính sách xã hội: Làm tốt công tác chi trả các chế độ đối với người có công cách mạng, gia đình chính sách, tranh thủ các nguồn hỗ trợ của cấp trên và các tổ chức từ thiện khác cũng như lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư hỗ trợ giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã, tạo điều kiện thoát nghèo, chống tái nghèo, đảm bảo có hướng vươn lên trong cuộc sống, thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, phấn đấu đến cuối năm giảm 01 hộ nghèo.

- Duy trì và làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội về mại dâm, ma túy; Giữ vững mô hình Xã, phường phù hợp với trẻ em.

- Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tạo thêm việc làm cho người lao động từ các chương trình phát triển kinh tế, chương trình xây dựng nông thôn mới. Phối hợp tổ chức đào tạo nghề. Vận động nhân dân đăng ký đi xuất khẩu lao động nhưng phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Pháp luật.

3. Chương trình xây dựng xã nông thôn mới

- Tiếp tục tập trung các nguồn lực để đầu tư theo chương trình nông thôn mới; vận động nhân dân tiếp tục làm hàng rào xanh, đường làng ngõ xóm, nâng cấp nhà ở, xây dựng các công trình vệ sinh đạt chuẩn, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Duy trì và nâng cao chất lượng xã Nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2024.

 Đẩy mạnh đầu tư thâm canh phát triển sản xuất để tăng thu nhập; tập trung đầu tư, chăm sóc vườn, chú trọng phát triển các mô hình sản xuất thuộc nguồn vốn nông thôn mới.  

4. Quốc phòng - An ninh

a. Quốc phòng:, Xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Duy trì trực chỉ huy, trực lực lượng trong thời gian diễn ra các ngày lễ, tết của quê hương, đất nước. Thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục chính trị, quân sự, nắm chắc độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, đảm bảo kế hoạch trên giao.

b. An ninh: Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ An ninh Tổ Quốc. Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là sau khi đường La Sơn - Túy Loan đưa vào sử dụng. Tăng cường công tác quản lý nhà nước và nắm tình hình đối với hoạt động tôn giáo không để việc xây dựng, cơi nới cơ sở trái phép xảy ra. Thường xuyên tổ chức công tác kiểm tra tạm trú, lưu trú, chủ động xử lí tốt các tình huống về an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ. Duy trì mô hình “Thôn dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội” trên toàn xã. Mô hình “xã điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và mô hình “Tuyến đường văn minh, đảm bảo ANTT – TTATGT”.

c. Nội chính: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của UBND tỉnh, huyện về kỷ luật, kỷ cương hành chính. Làm tốt công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành, khai thác sử dụng tốt các phần mềm dùng chung đã được triển khai; phát huy tích cực trang thông tin điện tử của xã để quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của địa phương; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã vận hành tốt hệ thống liên thông, xử lý văn bản, dữ liệu điện tử 04 cấp và thực hiện tốt trang điều hành tác nghiệp đa cấp trong quản lý công việc của cán bộ, công chức; đổi mới phương thức lãnh đạo điều hành trên các lĩnh vực; tăng cường thực hiện Quy chế phối hợp giữa HĐND - UBND – UBMTTQ Việt Nam xã, Công đoàn cơ sở xã và các đoàn thể Chính trị - Xã hội.

- Tổ chức quản lý, điều hành tốt việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH theo Nghị quyết của Đảng ủy và Nghị quyết HĐND xã đã đề ra, tiếp trục thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Xây dựng cơ chế quản lý khoa học, có hiệu quả, áp dụng và nâng cao hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính. Xây dựng quy trình xử lý thông tin và soạn thảo văn bản, trình ký, quản lý và lưu trữ văn bản có khoa học theo quy trình Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015. “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả” tại UBND xã duy trì hoạt động cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” thực sự đi vào nề nếp và mang lại hiệu quả thiết thực.

5. Chương trình trọng điểm

- Chương trình xây dựng xã Nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022 - 2024.

- Chương trình nâng cao giá trị kinh tế vườn giai đoạn 2021 - 2025.

III. Một số giải pháp chủ yếu

Để thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH, QP-AN năm 2022 được thắng lợi, cần tập trung các giải pháp sau:

1. Nhóm giải pháp về phát triển kinh tế

- Về lĩnh vực nông nghiệp: Bố trí đất đai hợp lý cho sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi đất lâm nghiệp có tiềm năng sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; nâng cao năng lực, hướng dẫn các tiến bộ khoa học kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi, vận động nhân dân mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập.

- Tiểu thủ công nghiệp: Duy trì và phát triển các ngành nghề  hiện có tại địa phương như: nghề mộc, nề, may mặc, v.v.

- Tài chính ngân sách: Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; tận dụng thu các nguồn thu hiện có, tích cực thu đúng, thu đủ đảm bảo công bằng.

- Xây dựng cơ bản: Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của nhà nước để đầu tư các công trình phúc lợi, công cộng phục vụ và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

- Xuất khẩu lao động: Vận động nhân dân tham gia làm việc ở nước ngoài khi có hợp đồng lao động.

2. Nhóm giải pháp về văn hóa - xã hội

- Giáo dục – Đào tạo: Huy động học sinh đạt kế hoạch năm học mới, phát hiện sớm những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh bỏ học giữa chừng để có sự phối hợp tìm ra giải pháp nhằm hạn chế học sinh bỏ học giữa chừng, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập.

- Y tế - Dân số KHHGD: Thực hiện tốt công tác chăm lo sức khỏe ban đầu cho nhân dân, tăng cường chính sách Dân số/KHHGĐ, tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động với Mặt trận và các đoàn thể, để hạn chế thấp nhất tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, vận động các bà mẹ làm tốt việc chăm sóc trẻ nhằm hạn chế tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng.

- Văn hóa: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chào mừng các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước. Hướng dẫn các cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa thực hiện đúng quy định của Pháp luật và cam kết của địa phương. Xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất các cá nhân, tổ chức kinh doanh hoạt động dịch vụ văn hóa trên địa bàn.

- Chính sách xã hội: Tăng cường công tác chăm lo giúp đỡ các đối tượng chính sách, người có công, gia đình thờ cúng liệt sĩ, các hộ nghèo, hộ gặp khó khăn hoạn nạn, làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân, chú trọng công tác đào tạo nghề.

3. Nhóm giải pháp về quốc phòng – an ninh, nội chính

- Quốc phòng: Thường xuyên duy trì trực sẵn sàng chiến đấu, kịp thời xử lý các tình huống xảy ra, bổ sung, thay thế lực lượng dân quân theo quy định.

- An ninh: Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, chủ động phối hợp nắm tình hình địa bàn; duy trì bám sát nhân dân để nắm bắt thông tin, không để bất ngờ, bị động xảy ra. Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát tình hình ATGT và kiểm tra tạm trú, tạm vắng trên địa bàn.

- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả: Xây dựng kế hoạch hoạt động theo cơ chế "một cửa", thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính theo quy trình tiêu chuẩn ISO 9001:2015 thuộc UBND xã cho các tổ chức, cá nhân đến liên hệ công việc. Chú trọng công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân; xây dựng lịch tiếp dân lưu động, tiếp dân định kỳ tại cơ quan đối với lãnh đạo HĐND, UBND xã.

4. Nhóm giải pháp chỉ đạo điều hành

- Thực hiện nghiên túc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIII; tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo của Đảng ủy, phát huy vai trò giám sát của HĐND, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành của UBND, đặc biệt phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân, đoàn kết, duy trì và nâng cao chất lượng xã nông thôn mới nâng cao.

- Tiếp tục thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20/4/2007 của UBTV Quốc hội về Quy chế dân chủ ở cơ sở và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chỉ đạo tốt việc thực hiện quy ước thôn, cơ quan, đơn vị văn hóa và gia đình văn hóa.

Trên đây là báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của UBND xã Hương Lộc./.

 

Nơi nhận:

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN

- TT. HĐND huyện;                                                

- UBND huyện;

- VP. HĐND-UBND huyện;

- Đảng ủy xã;

- TT. HĐND xã;

- CT, PCT, UV. UBND xã;

- TT. UBMTTQ VN xã;                                   

- Các ngành, đoàn thể cấp xã;                                 

- Đại biểu HĐND xã;                                                    

- Thôn trưởng 3 thôn;

- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

 

Đoàn Trọng Hậu

 

 

Tập tin đính kèm:
Phan Văn Tiến Thọ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 649